Hãng thông tấn Reuters mới đây đưa tin Samsung đang muốn mua lại công ty điện thoại đến từ Canada. Tuy nhiên, BlackBerry đã lên tiếng bác bỏ điều này. Dù vậy, ý định của Samsung lại đặt ra cho chúng ta câu hỏi: Vì sao Samsung, nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới, lại quan tâm đến một hãng di động đã đánh mất phần lớn thị phần trong vài năm ngắn ngủi?
BlackBerry vẫn là tiêu chuẩn vàng trong bảo mật di động. Trong ảnh, Tổng thống Mỹ Barack Obama vui vẻ giương cao chiếc BlackBerry trước phóng viên. |
Theo hãng nghiên cứu IDC, khoảng 1/4 smartphone bán ra trong quý III/2014 là của Samsung. Con số này dù giảm so với cùng kỳ năm 2013 nhưng Samsung đã là người đứng đầu thị trường kể từ năm 2011. Không ai có thể chạm đến Samsung. Đối thủ lớn nhất của hãng là Apple cũng chỉ có 12% thị phần.
Trong khi đó, khỏi phải nói cũng biết mảng điện thoại của BlackBerry đang lao dốc đến đâu. Quý III/2011, BlackBerry còn là nền tảng smartphone đứng thứ ba thế giới với khoảng 10% thị phần. Chỉ 3 năm sau, thị phần của “dâu đen” chỉ còn dưới 1% và đứng thứ tư sau Android, iOS và Windows Phone.
Với các con số kể trên, vì sao Samsung lại muốn thôn tính BlackBerry?
Reuters nhắc đến yếu tố bằng sáng chế. BlacBerry là người đi tiên phong trên thị trường smartphone và chắc chắn có nhiều bản quyền mà Samsung muốn sử dụng. Song, dường như đây chưa phải lí do thuyết phục, nhất là khi cuộc chiến bản quyền đang dần chìm xuống.
Thực tế, BlackBerry tham gia vào nhóm Rockstar cùng với Apple, Microsoft vài năm trước để được dùng bằng sáng chế từ hãng viễn thông Nortel. Tuy nhiên, tháng trước, Rockstar bắt đầu mở bán khá nhiều bằng sáng chế, còn những “ông lớn” như Samsung, Apple, Google, Microsoft đã hòa giải phần lớn các tranh chấp pháp lý và cấp quyền sử dụng chéo cho nhau.
Dù khách hàng cá nhân không còn mặn mà với BlackBerry, nó vẫn là tiêu chuẩn trong một số thị trường khác, đặc biệt là chính phủ và quân đội. Đó là bởi vì các thiết bị của BlackBerry và dịch vụ máy chủ doanh nghiệp BES được đánh giá là thứ gần nhất với tiêu chuẩn vàng trong bảo mật di động.
Bảo mật là chủ đề “nóng” trong năm 2015 sau hàng loạt vụ tấn công mạng ầm ĩ 18 tháng qua, nổi bật là vụ hack hệ thống máy tính Sony Pictures. Theo nhà đầu tư mạo hiểm Fred Wilson, các công ty an ninh mạng sẽ “bùng nổ” trong năm nay.
Năm 2013, Samsung bắt đầu nói về Knox, công nghệ cho phép các doanh nghiệp bảo vệ và quản lý điện thoại Android tốt hơn. Tuy nhiên, Knox phát triển chậm chạp và đến giữa năm 2014, có tin đồn Samsung đã bỏ rơi Knox. Tháng 11/2014, Samsung và BlackBerry tuyên bố hợp tác để BES 12 cũng có thể dùng để quản lý Samsung Knox.
Nếu Samsung mua BlackBerry, công ty Hàn Quốc sẽ được tiếp cận công nghệ và bằng sáng chế BlackBerry để tăng cường tính bảo mật cho Knox. Quan trọng hơn, Samsung sẽ có được khách hàng của BlackBerry, gián tiếp biến Knox trở thành sản phẩm thành công, nhất là khi bảo mật là vấn đề “nóng” chưa từng có. Bổ sung thêm khách hàng doanh nghiệp sẽ giúp cân bằng khoảng trống của Samsung trong thị trường tiêu dùng, nơi Apple, Xiaomi và nhiều tên tuổi khác đang xâm lấn.